"Mọi thứ vô cùng tồi tệ. Tôi không nghĩ tình hình có thể tệ đến vậy", Hang, chủ của Hang Zhou, nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng nhất thủ đô Rome của Italy, cho biết. "Nhà hàng của tôi thành lập từ năm 2010, tối nào cũng đông khách và thứ 6, thứ 7 luôn có một hàng dài đợi bên ngoài. Bây giờ chẳng có ai."
Sau khi dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc và xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, truyền thông Italy liên tục đăng những câu chuyện về người Trung Quốc, gồm cả du khách lẫn người nhập cư gốc Hoa, bị xúc phạm trên đường phố.
"Thật đáng ghê tởm, dơ dáy. Đi về mà ho trong nhà của chính mình đi. Các người đang lây bệnh cho xã hội", một người đàn ông buông lời lăng mạ cặp vợ chồng Trung Quốc bằng tiếng Italy trong lúc họ cố gắng bước đi thật nhanh, theo một video trên mạng xã hội.
Một nhà hàng tại phố người Hoa ở London, Anh hôm 13/2. Ảnh: AFP . |
Thị trưởng Rome Virginia Raggi từng tới nhà hàng Hang Zhou dùng bữa như một cử chỉ ủng hộ. Nhiều chính trị gia Italy khác cũng hỗ trợ cộng đồng người Hoa tại địa phương bằng cách chụp ảnh dùng bữa trong các nhà hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính mối quan hệ kinh tế ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc với Italy lại khiến nhiều người dân Italy tức giận, bởi họ cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn tới suy giảm sản xuất tại các địa phương, cũng như làn sóng di cư từ Trung Quốc đại lục trong vòng 10 năm qua. Việc dịch Covid-19 bùng phát giống như "đổ thêm dầu vào lửa".
Từ Rome đến London, cộng đồng trong các khu phố người Hoa vốn đối mặt với sự bài xích giờ đây thêm lo lắng.
Phố người Hoa tại London, Anh, nơi chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của thành phố, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của nCoV. Các nhà hàng cho biết việc kinh doanh giảm khoảng 50%, khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bị ảnh hưởng.
"Thật tồi tệ khi cộng đồng người Hoa phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ngày càng tăng, đồng thời chịu thiệt hại kinh doanh tới hơn 50% vì dịch Covid-19. Tôi đã tới phố người Hoa ở Manchester, thành phố kết nghĩa với Vũ Hán 33 năm qua. Chúng tôi đoàn kết với cộng đồng người Hoa", lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn viết trên Twitter.
Để xoa dịu nỗi sợ hãi về nCoV, các doanh nghiệp trong phố người Hoa trên khắp thế giới đã treo biển cho biết họ thường xuyên khử trùng nội thất. Một số nhà hàng thậm chí đặt sẵn nước rửa tay sát khuẩn cho khách, trang bị khẩu trang và găng tay cao su cho nhân viên.
Tuy nhiên, những biện pháp này dường như không hiệu quả. Rebecca Lyu, một sinh viên Trung Quốc đang sống ở London, vô cùng vất vả khi thuyết phục các bạn cùng đi ăn hoặc mua sắm. "Một số người bạn của tôi từ chối dùng bữa tại các nhà hàng trong phố người Hoa, bởi họ lo lắng về nCoV", Lyu cho hay.
Tuần trước, một tin đồn lan truyền rằng ai đó từ siêu thị chính ở phố người Hoa tại London bị ốm, khiến lượng khách giảm đáng kể. "Tôi đã nói với người dân rằng nếu chuyện đó có thật, báo chí sẽ đưa tin", David Tang, phó chủ tịch Hiệp hội người Trung Quốc tại phố người Hoa ở London, cho hay.
Tang bày tỏ lo ngại về tương lai các doanh nghiệp nếu tình trạng ế ẩm tiếp diễn. Ông cho biết cộng đồng người Hoa tại London đang lên kế hoạch gặp chính quyền địa phương và đề nghị họ hỗ trợ, như giảm thuế. "Nếu các ông chủ không có tiền, nhân viên sẽ phải hứng chịu và doanh nghiệp có thể đóng cửa", Tang nói.
"Phố người Hoa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trung tâm London. Chính quyền ít nhất có thể công bố một số sự thật", Wing Poon, quản lý nhà hàng Tao Tao Ju, nêu ý kiến.
Thông thường, các nhà hàng tại phố người Hoa ở London sẽ kín khách cả những ngày trong tuần, nhưng giờ đây lúc đông nhất cũng chỉ lấp đầy được một nửa số ghế, đôi khi chỉ có vài khách. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là du khách và sinh viên người Trung Quốc cũng gần như "biến mất" hoàn toàn.
"Những người xa lánh nơi đây chính là dân Trung Quốc. Tôi không trách họ. Có lẽ họ chỉ đang tránh tới nơi đông người. Họ nghĩ London cũng giống Trung Quốc, hoặc thậm chí là Vũ Hán", Poon nói.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc ở nước ngoài không hoàn toàn đơn độc. Những nhà hàng trên phố Via Paolo Sarpi ở thành phố Milan, Italy, vừa tổ chức một sự kiện đặc biệt nhằm thể hiện "sự đoàn kết về ẩm thực" với người Trung Quốc. 50% lợi nhuận từ sự kiện sẽ được gửi tới một quỹ từ thiện để giúp trẻ mồ côi ở Trung Quốc.
Tại thành phố Prato thuộc vùng Tuscany, nơi tập trung đông người Trung Quốc nhất Italy do phát triển ngành công nghiệp dệt may, Gennaro Brandi, dược sĩ sở hữu một hiệu thuốc địa phương, đã quyên góp 10.000 khẩu trang cho một trung tâm Phật giáo để gửi đến Trung Quốc.
"Chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải thực hiện việc này, xuất phát từ tình hữu nghị sâu sắc giữa hai bên, cũng như sự hòa hợp đã diễn ra trong nhiều năm", Brandi cho hay.
Tại quảng trường Vittorio ở Rome, trung Dịch thuật miền trung tại Huế Blog tâm của cộng đồng người nhập cư, nghệ sĩ đường phố Leika vẽ một bức tranh tường hình bà Sonia Hang đeo khẩu trang và cầm một bát cơm, bên cạnh là dòng chữ: "Dịch bệnh thiếu hiểu biết đang diễn ra. Chúng ta phải tự bảo vệ bản thân".
Ánh Ngọc (Theo SCMP )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét